fbpx
146 Thành Thái, P.12, Quận 10, TP.HCM

Bình hoa “Isaura”

Sản phẩm do nhóm EDISON-3V gồm giáo viên Trương Văn Hùng và các học viên Bùi Nguyên Vũ, Nguyễn Duy Tân, Thái Thành Nguyện nghiên cứu chế tạo. Bình hoa “Isaura” là một sản phẩm có thể dùng để gọi người phục vụ trong các quán ăn, khách sạn, bệnh viện… trong khoảng cách tối đa 200 mét. Các bình hoa được gắn một chip tạo xung mã (mã số của từng bàn, phòng) dưới đáy bình, kết nối không dây bằng sóng UHF với một máy thu tiếp nhận sóng có chức năng như một “tổng đài” quản lý các chip. Khi cần gọi người phục vụ, khách hàng chỉ cần bấm nhẹ một nút nhỏ trên bình hoa, máy thu sóng sẽ nhận tín hiệu phát ra từ bình hoa giúp người quản lý xác định được ngay vị trí bàn ăn hay các phòng đang cần phục vụ. Chi phí sản xuất cho cả hệ thống hoạt động của bình hoa “Isaura” chỉ hơn 200 nghìn đồng.

Thùng rác thông minh

Thùng rác có thể tự động mở nắp để nhận rác, tự động khử mùi hôi của rác, diệt vi khuẩn bên trong và nói “Cảm ơn” sau khi nhận rác… là sản phẩm do giáo viên Phan Trí Dũng và nhóm Robo-m (gồm các học viên Huỳnh Xuân Lộc, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Phan Anh) chế tạo. Thùng rác hoạt động bằng bộ cảm biến hồng ngoại và từ trường, tạo xung điện điều khiển một mô-tơ để mở nắp thùng rác khi nhận ra tín hiệu có vật đến gần nắp thùng. Sau khi người bỏ rác lấy tay ra, mạch điện sẽ duy trì hoạt động 3 giây, sau đó tạo một xung điện khác để đảo ngược chiều mô-tơ đóng nắp thùng, đồng thời báo tín hiệu để bộ ghi tiếng bằng một chip ghi âm thanh kỹ thuật số phát ra tiếng “Cảm ơn”. Bộ phát ozon trong thùng rác sau đó sẽ hoạt động để khử mùi, và sau 30 phút bộ ozon này lại hoạt động một lần để liên tục diệt khuẩn cho thùng rác. Chi phí chế tạo một thùng rác thông minh khoảng 600 nghìn đồng.

Chó điện tử giữ nhà

Chú chó điện tử mang tên “Berger Trắng” là sản phẩm tự động hóa của nhóm HNT-BOT (học viên Lê Thị Hạnh, Nguyễn Thị Nguyệt, Trần Thanh Trí và giáo viên Phan Hữu Hiệu) chế tạo. “Berger Trắng” có khả năng nhận biết chủ nhà hay người lạ trong cự ly từ 1-3m nhờ một cảm biến siêu âm và cảm biến hồng ngoại. Thông qua một chip gắn trong móc khóa hoặc thiết bị nào đó trong người chủ, chó điện tử có thể nhận biết chủ nhân (khi tín hiệu phát ra từ chip đáp ứng đúng mã cảm biến gắn trong chó), nếu không chó sẽ cất lên tiếng sủa báo động. Đặc biệt, một phiên bản chó điện tử khác là “Berger Đen” sử dụng để canh giữ các trang trại, vườn cây rộng vì có thể phát sóng tín hiệu đi xa 100 mét để điều khiển mạch báo động tạo tiếng hú, bật đèn để báo động cho chủ nhân khi phát hiện người lạ đột nhập…

Nguồn: Nhân Dân