TTO – Trong thời buổi mà hầu hết mọi người đều chú trọng đến văn bằng, có tốt nghiệp đại học trước rồi mới tính tới chuyện nghiên cứu này nọ thì có thể nói việc làm của giám đốc Phan Trí Dũng – người tài trợ “những nhà khoa học bình dân”- thật sự là một hành động “dũng cảm” hiếm có.
Khách quan nhìn nhận thì đầu tư hỗ trợ cho những ý tưởng, phát minh, sáng kiến như thế này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro và có không ít người còn cho rằng nó không thực tế (bởi thế nên từ trước đến không ai làm). Chính vì điều này mà việc làm của anh Phan Trí Dũng rất đáng hoan nghênh và cần được nhân rộng vì anh đã chắp cánh ước mơ cho những con người bình dị nhưng luôn trần đầy sức sáng tạo.
Lâu nay, những nhà quản lí, những người có trách nhiệm chưa xem trọng vấn đề này nên chưa có những biện pháp hỗ trợ để góp phần hiện thực hóa những ý tưởng khoa học đó vào thực tiễn. Nhiều sáng tạo khoa học đã bị “bóp chết” từ trong “trứng nước” vì chủ nhân không có cơ hội tiếp cận với những nguồn kinh phí hỗ trợ dù là ít ỏi. Hơn nữa cũng chẳng ai chịu lắng nghe họ trình bày những suy nghĩ sáng tạo ấy.
Nguồn lực của những quỹ hỗ trợ sáng tạo khoa học kỹ thuật còn rất hạn chế và manh mún, chủ yếu dựa vào tấm lòng của những nhà hảo tâm, những người có tâm huyết với sự nghiệp khoa học chung của cộng động. Vẫn chưa có nhiều những cơ chế, chính sách, những cam kết chính thức của các cơ quan chức năng trong quá trình hỗ trợ sáng tạo kĩ thuật trên quy mô cộng đồng.