Ngày 25/3, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) – TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Công ty CP Khoa học Công nghệ Petech đã phối hợp Viện Công nghệ Nano Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và ICISE tổ chức Hội thảo về công nghệ Plasma và ứng dụng xử lý rác thải.
TS. Lê Nguyên Ngân chia sẻ về ứng dụng Plasma. Ảnh: Trung Nhân.
Tại Hội thảo, TS. Lê Nguyên Ngân – Viện Công nghệ Nano cho biết, Plasma được ứng dụng nhiều trong khoa học, lĩnh vực Y/Sinh học và công nghiệp (chế tạo vật liệu mới, phát xa ánh sáng từ Plasma, động cơ đẩy Plasma, xử lý môi trường…). Theo TS. Lê Nguyên Ngân, công nghệ Plasma sẽ được ứng dụng rộng rãi trong tương lại, đặc biệt trong lĩnh vực phân hủy các chất thải độc hại.
“Hầu hết các vật liệu phế thải được làm từ các nguyên tử giống như mọi thứ khác, vấn đề duy nhất là cấu trúc của chúng. Khí hóa plasma phá hủy hoàn toàn cấu trúc đó. Ngay cả những chất độc khủng khiếp nhất cũng bất lực khi phá vỡ mọi liên kết nguyên tử của chúng. Đó là lý do tại sao khí hóa Plasma đang được dùng để phá hủy vũ khí hóa học” – TS. Lê Nguyên Ngân gợi mở.
Bởi theo TS. Lê Nguyên Ngân, đó là một cách đặc biệt thông minh để xử lý chất thải độc hại và xử lý hầu hết các chất thải khác. “Nó tốn năng lượng để vận hành, nhưng các phản ứng nhiệt hạch Plasmas sẽ cung cấp cho chúng ta năng lượng đó và chúng ta sẽ nhận được các sản lượng hữu ích thay vì lấp đầy hành tinh vô cùng hữu hạn của chúng ta bằng rác” – TS. Lê Nguyên Ngân chia sẻ.
Liên quan đến Công nghệ Plasma và ứng dụng xử lý rác thải, KS. Phan Trí Dũng – Chủ tịch HĐQT công ty Petech cho biết, theo các thống kê, tại Việt Nam đất đai thiếu và dân cư quá đông với 321 người/km2 nên việc chôn rác sẽ không thể là giải pháp tốt và bền vững.
Trong khi dó, giải pháp nhà máy phân loại, tái chế (Compost, VLXD, …) không thể đảm đương với quy mô đô thị trên 100.000 dân. Ngoài ra, bản thân các cơ sở phân loại, tái chế cũng gặp vấn đề gây ô nhiễm môi trường.
Cũng theo ông Phan Trí Dũng, giải pháp đốt (100% rác y tế và 80% tổng hợp rác sinh hoạt) là phù hợp nhất. Nhưng có 2 vấn đề chính là rác chưa phân loại tại nguồn nên độ ẩm cao, nhiệt trị rất thấp (dưới 1.000 kCal/kg) và không ổn định tỷ lệ.
Từ các vấn đề trên sẽ làm giảm nhiệt độ lò và tổn hao lớn cho năng lượng/nhiên liệu đốt cũng như hiệu quả cho việc thu hồi nhiệt năng – phát điện không cao và có khả năng làm kẹt cơ khí rế lò, giảm tuổi thọ lò đốt. Đồng thời, gây ra tỷ lệ tồn dư tro đáy cao (20 ~ 25% w/w ở lò đốt dầu), làm giảm chất lượng sản xuất VLXD, do còn nhiều tạp chất chưa cháy hết.
“Trong khi đó, với 5 giải pháp kỷ thuật gồm lò Plasma công suất lớn, xử lý được rác chưa phân loại tại nguồn, đạt lượng tro đáy nhỏ hơn 10% w/w; Silos tích trữ rác kín và an toàn, cấu trúc hiện đại, không mùi hôi, không nước rỉ rác, không ruồi nhặng; Hệ thống xử lý khí thải hoàn hảo, đạt chuẩn Việt Nam và Âu – Mỹ; Xử lý triệt để, kết hợp tái chế, đạt tỷ lệ chôn lấp bằng 0%; Hệ thống Plasma ECP, hiệu quả sử dụng năng lượng trên 90%, chi phí vận hành thấp nhất” – ông Phan Trí Dũng cho biết.
Cũng theo người đứng đầu Công ty Petech, tính bền vững của xử lý rác thải bằng công nghệ Plasma an toàn cho môi trường và tiết kiệm chi phí khi lượng CO2 khi đốt 1 kg rác sinh hoạt (tính trên 1 đầu người), chỉ bằng 5% so với lượng CO2 mà hiện nay 1 người thải ra trong 1 ngày đêm.
“Thiết bị Plasma không dùng nhiên liệu hoá thạch. Chỉ sử dụng điện, theo đúng hướng phát triển của các nước tiên tiến (xe điện, nấu ăn điện, tàu thuỷ điện và máy bay điện). Tiến tới dùng năng lượng mặt trời, Gió và GreenHydrogen”- ông Phan Trí Dũng nhận định.
Theo Petech tính toán, khi sơ tính hiệu quả kinh tế giữa lò đốt CTR (sinh hoạt) sử dụng đầu đốt Dầu – Khí (DO/PLG) và đầu đốt Plasma (ECP – Petech) có sự chênh lệch lớn về doanh thu. Cụ thể, với cùng phí vận hành cho 1 lò đốt rác sinh hoạt 100 tấn/ngày, công suất lò đốt 4.200 kg/h theo đúng QCVN 61: 2016/BTNMT nếu sử dụng đầu đốt DO (Oil Torch) 4 đầu đốt Italy sẽ tiêu hao 10 tấn DO để đốt hết 100 tấn rác thô.
Theo đó, phí nhiên liệu khoảng 222 triệu đồng/ngày (22.200 đồng/lít x 10.000 lít) nhưng doanh thu/ngày đối với 100 tấn rác thô đạt khoảng 50 triệu đồng. Nếu bỏ phí nhân công doanh nghiệp sẽ lỗ 172 triệu đồng.
Trong khi sử dụng đầu đốt Plasma (Plasma Torch) 4 đầu đốt ECP – Petech sẽ tiêu hao 40KWx6 = 240KW + xử lý khí, nước thải và các hệ thống tự động 240KW = 480KWh; điện tiêu hao một ngày đêm khoảng 480KWhx 24h = 11,520 KWh theo đó chi phí tiền điện khoảng 18,5 triệu đồng sẽ lãi khoảng 31,5 triệu đồng.
Theo Kinhtedothi.vn