fbpx
146 Thành Thái, P.12, Quận 10, TP.HCM

TTCN – Có một doanh nghiệp tại TP.HCM chỉ tài trợ cho những người bình thường nhất: học trò, lái xe ôm, công nhân vệ sinh, ông già hưu trí… để họ nghiên cứu sáng tạo những sản phẩm có ích cho xã hội. Từ đó, nhiều “công trình khoa học nhân dân” đã có cơ hội góp mặt với đời.

Có lẽ sẽ còn khá lâu nữa ngành kinh doanh du lịch VN mới tổ chức được loại hình du lịch bằng khinh khí cầu, nhưng tới lúc đó người ta sẽ phải nhắc tới hướng kinh doanh du lịch này từ một ý tưởng bất chợt của một cô bé học sinh lớp 10.

Hè năm ngoái, em Phan Ngọc Hân, 16 tuổi, học sinh lớp 10 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Q.3, TP.HCM), khi lặn xuống biển Nha Trang đã quan sát thấy các cọng rong biển nổi lên mặt nước nhờ vào những chiếc bong bóng li ti.

Hân tự hỏi: Sao mình không thể “nổi” lên không trung bằng những quả bóng như thế? Ý tưởng đó đã được Bích Nữ – 17 tuổi, học sinh kỹ thuật công nghệ và Thùy Phương – 18 tuổi, học sinh ngành may (đều học tại Trường kỹ thuật nghiệp vụ Nguyễn Tất Thành) – đồng tình: Ừ, mình thử “chế” bóng bay để “chở” mình lên trời cao xem sao!

Từ khinh khí cầu “Rong biển” đến robot móc cống

Cả ba cô học sinh chưa làm ra tiền thì lấy đâu kinh phí sáng tạo? Tình cờ cả ba cô nghe phong thanh có ông giám đốc nào đó đã tuyên bố “sẽ dành 75% lợi nhuận của công ty để tài trợ cho các công trình sáng tạo khoa học, bất kể họ là ai…”, thế là họ tìm địa chỉ và lục tục kéo tới ấp úng trình bày, nhưng không ngờ chỉ vừa nghe qua ý tưởng đó, anh Phan Trí Dũng – giám đốc Công ty Petech – đã đồng ý tài trợ ngay không chỉ bằng tiền mà còn tình nguyện làm cố vấn kỹ thuật.

Ban đầu nhóm các cô gái dự định “đốt” khinh khí cầu bằng khí nóng, rồi lại chuyển sang khí hydro nhưng cũng không an toàn, anh Phan Trí Dũng gợi ý: “Có thể dùng khí heli?”. Với bản vẽ thiết kế của Ngọc Hân gồm 11 quả khinh khí cầu nhỏ kết nối nhau nhờ sợi cáp kevlar (polymer tổng hợp), hệ thống “tời điện thông minh” (hệ thống xả, cuốn dây cáp khinh khí cầu dựa vào bộ cảm biến tốc độ gió, tự động điều khiển độ cao) do Bích Nữ thực hiện và Thùy Phương phụ trách may, ráp nối các khinh khí cầu.

Sau ba tháng miệt mài, cả nhóm đã cho khinh khí cầu bay thử thành công tại khu du lịch Dambri (Bảo Lộc, Lâm Đồng) vào ngày 5-6-2004. Thùy Phương – “phi hành gia” đầu tiên của “khinh khí cầu made in Vietnam” mang tên “Rong biển” đã bay được 15 phút ở độ cao 40m trong niềm vui sướng khôn tả của “nhà tài trợ” Phan Trí Dũng!

Anh Dũng tính toán ngay: “Chi phí sản xuất chỉ bằng 1/3 so với khinh khí cầu nhập từ nước ngoài (khoảng 10.000 USD so với 30.000 USD) do đó tôi khuyến khích các em bắt tay ngay vào nghiên cứu “Rong biển 2” dự tính sẽ chở được bốn người (có thể lên đến độ cao 2.000m) để phục vụ du lịch, tất nhiên Petech vẫn là tài trợ chính.

HUNxOytX.jpg
Anh Phan Trí Dũng – giám đốc Công ty Petech

Một hôm, Phan Trí Dũng tiếp một người khách khá đặc biệt. Ông mang đến một chiếc gậy dò đường dành cho người khiêm thị sử dụng bộ phận cảm biến (sensor) và thật bất ngờ khi chủ nhân “ý tưởng sáng tạo” này chỉ là một người chạy xe ôm.

Thế là anh “đặt hàng” luôn: sản phẩm này có thể sản xuất đại trà, kể cả xuất khẩu nếu được nâng cấp; có nó trong tay người khiếm thị không chỉ cảm nhận vật cản qua tín hiệu phát ra từ bộ cảm biến mà còn giúp họ “thấy” được hình thù vật cản (bàn ghế, xe, nhà, người…).

Chưa hết, sau khi Công ty Petech chào hàng trên thị trường sản phẩm “thùng rác thông minh” thế hệ đầu tiên (tự động mở nắp thùng khi nhận rác, nói lời cảm ơn bằng bốn thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa và đóng lại), một học sinh đã gửi thư đến chất vấn: “Sao các chú không cài đặt thêm thiết bị khử mùi hôi? Cháu nghĩ chúng ta có thể làm như sau…”, thế là Phan Trí Dũng cùng các cộng sự cho nghiên cứu và lắp thêm hệ thống khử mùi và sát trùng bằng ozon được điều khiển bằng một con chip điện tử gắn dưới đáy thùng. Anh đi tìm cậu học sinh hiến kế kia thì quả thật bất ngờ: em mới học lớp 11 và đang có nguy cơ bỏ học vì nhà quá nghèo!

Phan Trí Dũng kể tiếp: “Khi một công nhân cơ khí ở Gò Vấp đến Petech giới thiệu công trình “Robot hút ống cống” của anh, chúng tôi đã phải suy nghĩ rất lâu. Đề tài táo bạo quá nhưng kinh phí cũng quá cao, lên đến cả tỉ đồng bởi loại robot thông minh này có thể làm việc trong những ống cống có đường kính lên đến 6m, nên khi nghiên cứu, chế tạo không thể thử nghiệm hút các ống cống công cộng mà cần lập riêng một khu thử nghiệm với hệ thống ống cống như thật… Song cuối cùng chúng tôi đi đến kết luận: chuyện cống nghẹt, ngập lụt đang là nan giải đối với những đô thị lớn của VN, nếu nghiên cứu thành công sẽ rất khả thi nên đã đồng ý tài trợ”.

Tôi thích sáng chế của những “người tài áo vải”…

Phan Trí Dũng tâm sự: “Tôi muốn xã hội thay đổi cách nhìn về ý tưởng sáng tạo, sáng chế. Thường thì các công trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật do người có bằng cấp, học hàm học vị thực hiện, nhưng trong xã hội còn có nhiều người tài năng mà do nhiều điều kiện chưa thể có bằng cấp này khác và quan trọng nhất là thiếu kinh phí để biến ước mơ của họ thành sự thật. Khoa học, sáng tạo trong cuộc sống quanh ta là kho tàng vô tận, nên tôi rất thích sáng chế của những nhà sáng tạo “áo vải bình dân”.

Thật ra hình ảnh về những người sáng tạo bình dân anh gặp đều có bóng dáng của anh, của cha anh trong những năm tuổi nhỏ ở quê nghèo Sông Cầu, Phú Yên.

Cha anh xuất thân từ một thầy giáo tiểu học trường làng. Trong thập niên 1960, kỹ thuật điện và điện tử đã làm say mê các thế hệ trẻ VN, trong đó có thầy giáo làng Phan Tất Hoa, để rồi ông đã đánh cược với cuộc đời khi cầm cố tất cả gia sản ruộng vườn, nhà cửa, gom tiền sang Pháp để theo học ngành điện tử và vô tuyến điện.

Khi về nước, không nhà không cửa, ông phải đưa vợ con vào Nha Trang mở cơ sở sửa chữa điện tử để mưu sinh, cái tên Petech cũng đã xuất hiện từ năm 1965, gắn liền với cái tên người sáng lập (Phan Tất Hoa Electronics Technology). Không chỉ là người đầu tiên thiết kế chiếc máy tính điện tử (theo nguyên lý của máy IBM), ông Hoa còn khởi xướng và chủ trì việc chế tạo máy phát hình màu đầu tiên của VN và là tác giả của hàng chục đầu sách về kỹ thuật điện tử ứng dụng mà cho đến giờ những ai say mê điện tử ứng dụng vẫn tìm đọc.

hEmRKJ0u.jpg
Nhóm nữ sinh Phan Ngọc Hân, Lê Thùy Phương, Nguyễn Bích Nữ (từ trái sang) đang thiết kế “Rong biển 2” tại Cty Petech

Ông Phan Tất Hoa đã hướng cậu con trai Phan Trí Dũng đi vào con đường nghiên cứu, sáng tạo ngay từ tấm bé. Anh Dũng kể: “Từ khi tôi mới 10 tuổi, buổi sáng đi học, chiều về cha tôi đã tập cho tôi làm quen với các loại máy móc điện, điện tử trong cơ sở của ông; ông luôn gợi cho tôi óc sáng tạo, không hiểu thì phải học, thấy lạ, thấy thích thì phải biết tự sáng chế.

Năm học lớp 5, tôi đã có sáng chế đầu tiên trong đời là lắp ráp hai lon sữa bò có gắn môtơ chạy pin và dùng bộ thu phát điều khiển qua sóng vô tuyến để điều khiển từ xa con tàu ống lon chạy được trên sóng biển. Lúc đó tôi phải mất đến bốn tháng dành dụm tiền quà và mày mò chế tạo, nhưng khi thấy con tàu phóng nhanh trên mặt biển theo ý mình, tôi có cảm giác như trên đời không có niềm vui nào hơn thế!”.

Thời sinh viên đã nhiều lúc lâm vào cảnh “khát tiền” vì nỗi đam mê sáng chế của mình, nên bây giờ anh Dũng “hiểu rất rõ sự dằn vặt, xót xa của những bạn trẻ khi không có kinh phí để nghiên cứu. Có lúc chỉ cần vài trăm ngàn, vài triệu đồng để mua thiết bị nhưng đành bó tay. Mà thật lạ, lạ đến cay đắng là phần lớn những bạn trẻ đam mê nghiên cứu sáng tạo đều…nghèo!”.

* * *

Kể từ khi quyết tâm đưa Công ty Petech trở lại hoạt động với triết lý kinh doanh “dành lợi nhuận tài trợ cho những ứng dụng sáng tạo”, Phan Trí Dũng và các đồng sự của anh đã tài trợ hơn 32 công trình sáng tạo của những “nhà khoa học áo vải”.

Khá nhiều công trình nhờ được tài trợ nghiên cứu sau đó đã được Petech cùng các cộng sự sản xuất, đưa vào sử dụng có hiệu quả trong xã hội như: giường tự động chăm sóc bệnh nhân (với bốn tính năng tự động: chuyển tư thế nằm theo lập trình của bác sĩ; thay đổi điểm tựa; thu gom phân, nước tiểu và làm vệ sinh cơ thể; ghi nhận và lưu trữ các thông số sức khỏe bệnh nhân để thông tin cho gia đình cũng như bác sĩ từ xa…), camera bay (phục vụ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, khảo sát qui hoạch, quan sát biên giới phục vụ quốc phòng, chống xâm nhập, buôn lậu trên biển, cầu truyền hình…), hệ thống truyền thanh không dây tự động; toilet công cộng tự động 5 sao…

Phan Trí Dũng tâm sự: “Tôi chỉ là một kỹ sư bình thường, không thể đủ kiến thức để thẩm định mọi thứ, nhưng sau lưng tôi có hàng loạt nhà khoa học thầm lặng ủng hộ, giúp đỡ tôi các mặt chuyên môn từ tự động hóa, hàng không đến cả thiên văn, công nghệ tàu ngầm… Các thầy rất đồng tình với cách làm này của tôi.

Có thầy nói với tôi: “Lợi nhuận mà anh thu về được không chỉ là tiền của, mà có đến ba thứ “lợi nhuận”: làm cho xã hội có lợi vì tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ; những sáng tạo trong nhân dân có lợi vì chất xám, tài năng của họ không mai một, lụi tàn; công ty của anh có được những sản phẩm tốt, độc quyền từ sự liên kết sản xuất với những sáng tạo trong nhân dân”.

BINH NGUYÊN
Nguồn: Tuổi trẻ