Tại buổi báo cáo xét duyệt hỗ trợ dự án “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo nhà vệ sinh tự động phục vụ ngành môi trường và các phương tiện giao thông” (do Trung tâm Nghiên cứu công nghệ mới PHT chủ trì thực hiện) mới đây, kỹ sư Phan Trí Dũng – chủ nhiệm dự án, đã tự tin khẳng định hiệu quả kinh tế của dự án sẽ không chỉ dừng ở phạm vi trong nước: “Với giá chỉ bằng 40% so với nhập ngoại, nhưng lại có độ bền tương đương và nhiều tính năng vượt trội hơn, sản phẩm nhà vệ sinh tự động của chúng tôi tin tưởng sẽ tạo được thị trường xuất khẩu khá lớn, dự kiến có thể trên 30 triệu USD/năm”.
Được thành phố hỗ trợ 1,5 tỷ đồng để thực hiện dự án, nhóm tác giả cho biết sẽ ra mắt lô sản phẩm đầu tiên sau thời gian 10 tháng nữa và khả năng tìm được thị trường xuất khẩu hoàn toàn có cơ sở khả thi.
Với kiểu dáng thiết kế nhỏ gọn, có thể lắp ráp nhanh và đặc biệt được thiết kế hơn 10 tính năng thông minh như báo động phá hoại (dành cho các nhà vệ sinh công cộng); mở cửa, đóng mở nắp bệ ngồi tự động; lau rửa sàn tự động; tự khử mùi hôi và cấp khí sạch…, sản phẩm nhà vệ sinh tự động của chúng ta hơn hẳn một số loại tương tự ở một số nước trong khu vực, ví dụ như kiểu nhà vệ sinh “Happy toilet” của Singapore, chỉ có hai chức năng là dội nước tự động và đóng mở cửa tự động, giá đã 26 ngàn USD/chiếc. Trong khi đó, thị trường trong khu vực trong tương lai đang hứa hẹn nhiều tiềm năng xuất khẩu khi Thái Lan và Singapore đã có kế hoạch trang bị gần 50 nghìn nhà vệ sinh tự động cao cấp (giai đoạn từ nay đến năm 2005), Trung Quốc cũng đang cần trang bị trên 120 ngàn nhà vệ sinh công cộng mới để chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic năm 2008…
Việc đặt ra kế hoạch tiêu thụ sản phẩm không chỉ giới hạn trong nước mà hướng ra thị trường nước nêu trên có thể xem là một định hướng phát triển mạnh dạn và thể hiện sự tự tin vào năng lực của mình, nói như nhận xét của PGS – tiến sĩ Nguyễn Mộng Hùng, Chủ tịch Hội Tự động hóa TP Hồ Chí Minh: “Việc nhóm tác giả đã mạnh dạn xin vay hỗ trợ gần 100 nghìn USD, trong thời gian 10 tháng sẽ hoàn tất lô sản phẩm đầu tiên và đáp ứng yêu cầu hoàn trả lại 70% vốn hỗ trợ cũng là một tính toán khá tự tin…”.
Trên thực tế, trong thời gian qua, chúng ta cũng đã có những sản phẩm ứng dụng công nghệ tự động hóa được nghiên cứu và chế tạo trong nước được bán ra nước ngoài. Ví như trường hợp những người máy tiếp thị đứng chào đón khách, những “cô” robot biết nhảy múa theo từng điệu nhạc khác nhau của xưởng chế tạo người máy của ông Dương Tấn Thành (TP Hồ Chí Minh). Tính đến nay, ông Thành đã chế tạo và bán 13 người máy sang Nhật Bản, Mỹ, Australia, Canada và hiện tại, ông cho biết đang thỏa thuận giao dịch với một khách hàng người Nga.
Hay như các sản phẩm tự động hóa: thùng rác thông minh, chó điện tử thông minh biết tự nhận biết chủ nhân hay khách lạ để sủa báo động… được thầy trò Trường Kinh tế kỹ thuật nghiệp vụ bán công Nguyễn Tất Thành (TP Hồ Chí Minh) nghiên cứu chế tạo và đang được Công ty Điện tử Petech (TP Hồ Chí Minh) tài trợ sản xuất, cũng đã có ba công ty đến từ Mỹ đặt yêu cầu được độc quyền phân phối các sản phẩm này sang thị trường Mỹ.
Họ cho biết với những sản phẩm tương đương, ví dụ như một thùng rác tự động biết bật nắp, đậy nắp, khử ozon, nói lời cảm ơn… nếu đặt hàng chế tạo tại Mỹ thì giá sẽ không dưới 1 nghìn USD, trong khi đó, giá bán ra của sản phẩm Việt Nam chỉ trên dưới 100 USD.
Như thế, với chất lượng, tính năng hiện đại tương đương nhưng sự chênh lệch về giá đang tạo cho chúng ta một ưu thế cạnh tranh lớn khi đưa được sản phẩm tự động hóa trong nước xâm nhập vào thị trường nước ngoài. Đặc biệt, nguồn nhân lực đầy tiềm năng từ các sinh viên ngành tự động hóa đang được đào tạo ở các trường ĐH, mà vừa qua, cũng đã chứng tỏ được năng lực sáng tạo của mình tại các cuộc thi tài quốc tế về robot (ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh hai lần vô địch cuộc thi sáng tạo robot khu vực châu Á Thái Bình Dương-Robocon 2002 tổ chức tại Nhật Bản và 2004 tổ chức tại Hàn Quốc, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã đoạt giải ba cuộc thi Robocon năm 2003 được tổ chức ở Thái-lan).