fbpx
146 Thành Thái, P.12, Quận 10, TP.HCM

Giáo sư – nhạc sĩ Tô Vũ: Đúng thật là những thanh đàn cổ xưa!

Tôi rất bất ngờ và vui mừng trước phát hiện của anh Dũng về bộ sưu tập đàn đá. Tôi đã xem xét, nghe tiếng đàn và có thể khẳng định những thanh đá này đúng là những thanh đàn cổ xưa. Vì những thanh đá này được tập hợp nhiều lần và sắp xếp lại theo bố trí sáng tạo của anh Dũng nên tôi không dám khẳng định tất cả các thanh là của chung một bộ đàn đá cổ xưa mà có thể đây là nhiều thanh thành phần của nhiều bộ đàn đá ghép lại.

Theo kinh nghiệm của tôi, những thanh đá đàn này thuộc hệ thống đàn đá vùng cao, chúng thuộc loại đá sừng (mặt đá nhẵn, đen, âm thanh rất trong).

Một điểm đáng quan tâm nữa là những thanh đá này tìm thấy ở Bảo Lộc, cũng chính là nơi đã tìm được bộ đàn đá đầu tiên của nước ta.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã (Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, giảng viên môn Văn hóa Việt Nam Trường ĐH dân lập Hùng Vương TP Hồ Chí Minh): Bộ đàn đá Đambri là cơ sở để chứng tỏ tính bản địa của nhạc cụ đàn đá

Với số lượng các “thanh đá kêu” mà anh Dũng tìm được như thế (hơn 400 thanh), chứng tỏ nguồn nguyên liệu làm đàn đá có ở ngay nước ta. Đây là cơ sở để khẳng định một cách chắc chắn rằng đàn đá là một nhạc cụ mang tính bản địa dân tộc, được sáng tạo tại chỗ chứ không phải được du nhập từ nước khác.

Đặc biệt, từ việc bộ đàn đá Đambri có thể chơi được nhạc hiện đại, tôi có ý tưởng: tại sao chúng ta không đồng thời vừa tái hiện lại bộ đàn đá theo đúng nguyên thủy của nó, vừa sáng tạo nên các bộ đàn đá hiện đại từ nguồn nguyên liệu “đá kêu” có thể đang có rất nhiều ở nước ta.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Lộc (Viện Nghiên cứu âm nhạc TP Hồ Chí Minh): Đàn dân tộc chơi nhạc hiện đại dễ được giới trẻ đón nhận hơn

Tôi thấy bộ đàn đá Đambri này rất hay và anh Dũng thật may mắn có được một bộ đàn đá nguyên thủy chuẩn theo hệ thống bán cung, có thể chơi được cả nhạc hiện đại. Đàn dân tộc chơi nhạc hiện đại dễ được giới trẻ đón nhận hơn. Tôi hiện đang nghiên cứu tạo nên một bộ đàn đá tương tự nhưng với kích thước nhỏ gọn hơn…

Tuy nhiên nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam lại không hề ngạc nhiên trước thông tin này. Ông cười nói:

– Tôi nhớ đến một câu chuyện rất buồn cười xảy ra cách đây không lâu. Có một nhạc sĩ về thăm một làng làm sành sứ ở Hải Dương, nhìn thấy người dân ở đây làm ra những miếng sành hình chữ nhật trông là lạ. Gõ thử thì thấy tiếng kêu cũng hay hay. Ông bèn ghép lại thành một bộ nhạc cụ, lấy đủ 12 âm, và đặt tên cho nó là đàn Sành.

Cứ theo cách lắp ghép như thế thì người Việt Nam chúng ta có hàng tỷ loại đàn. Bây giờ tôi sẽ tìm ra cho anh loại đàn bằng… bát mẻ. Anh chỉ việc thu thập khoảng một vạn mảnh bát, tôi sẽ đo đếm âm thanh của nó để tìm ra một bộ không phải chỉ có 12 âm mà ngay đến 24 âm hay nhiều hơn cũng được.

* Nhưng thưa ông, trong trường hợp đàn Dambri, nó không phải là tập hợp những viên đá tự nhiên, mà trên thân nó có những vết ghè đẽo một cách có chủ ý của người Tây Nguyên. Rõ ràng người ta đã sáng tạo ra nó như những nhạc cụ…

– Sai lầm lớn nhất của chúng ta trong nhiều năm là đã nhầm lẫn giữa những viên đá kêu và đàn đá. Những viên đá kêu thì nhiều lắm, 400 thanh đá mà anh Dũng có đâu phải là nhiều, mà có hàng nghìn, hàng vạn viên, được dùng làm bờ rào chống thú dữ, để trong hang sâu, dưới lòng đất…

Việc chế tác ra những viên đá kêu là một truyền thống rất phổ biến của đồng bào ở Ninh Thuận, Bình Thuận, các tỉnh Tây Nguyên… Họ sử dụng những loài đá sẵn có trên địa bàn, rất rắn chắc và có tiếng kêu rất vang thành những viên đá kêu. Rồi họ xâu chúng lại với nhau chăng ngang suối, hoặc treo lên cành cây. Những viên đá va đập vào nhau tạo ra âm thanh có tác dụng xua đuổi thú dữ, đồng thời nghe cũng vui tai, thậm chí rất hay nữa là đằng khác. Nhưng những âm thanh ấy không thể gọi là âm nhạc được.

Trong hàng nghìn, hàng vạn những viên đá kêu, nếu đo đạc và ghép vào với nhau thành “bộ thì sẽ có đủ các âm, như tôi vừa nói, đâu chỉ 12 mà muốn có “bộ” bao nhiêu âm mà chẳng được. Nhưng như thế là không logic, không gọi là một bộ đàn đá được.

* Vậy mấu chốt của vấn đề ở đây là gì?

– Đàn phải là một tổ chức theo một thang âm nhất định. Mặc dù có vô vàn những viên đá kêu, nhưng số bộ đàn đá tìm được ở Tây Nguyên rất ít, theo tôi biết chỉ năm, sáu bộ là cùng.

Về hình thức, các thanh của đàn đá và những viên đá kêu không khác nhau bao nhiêu, hay có thể nói, về hình thức là một. Nhưng ý thức chế tác cây đàn, với việc tạo ra những viên đá kêu dùng trong sinh hoạt là khác nhau một trời một vực. Không phải nhóm dân cư nào cũng chế tác được đàn đá, trong khi đó những viên đá kêu thì là một “sản phẩm thường thức” của cả vùng.

* Âm thanh của các bộ đàn đá tìm thấy trước đây có mấy cung?

– Bộ đàn đá đầu tiên được tìm thấy tình cờ vào năm 1947, khi người Pháp làm đường trên Tây Nguyên. Nhà nghiên cứu nổi tiếng người Pháp G.Condominas đã làm một công trình nghiên cứu về nó. Bộ đàn đá có bảy thanh đàn nhưng chỉ năm âm, hết sức logic, và chắc chắn đó là một bộ đàn đá chứ không phải là những viên đá kêu lắp ghép vào với nhau.

Đàn đá Khánh Sơn được phát hiện sau đó, đến nay đã trải qua mấy chục năm, nhưng vẫn còn tranh cãi. Phần lớn ý kiến đều thống nhất đây là một bộ đàn đá (vì các thanh đá nằm trong cùng một di chỉ), nhưng vẫn còn những ý kiến tỏ ra nghi ngờ, có thể đó chỉ là một tập hợp ngẫu nhiên của những viên đá kêu. Hầu hết các đàn đá đều chỉ có năm cung. Đàn đá ở Đác Lắc thì chỉ có ba âm, nhưng chắc chắn nó là một bộ, vì nó chuẩn với dàn chiêng ở đây (cũng chỉ có ba âm).

Ở đây tôi xin nhấn mạnh rằng, tất cả các nhạc cụ của Tây Nguyên từ xưa đến nay đều dựa vào thang âm của dàn chiêng mà lấy dây, hay nói cách khác, cồng chiêng tạo ra ngôn ngữ của các nhạc cụ Tây Nguyên (vì thế cồng chiêng xứng đáng được đề cử Danh hiệu Di sản thế giới). Mà cồng chiêng thì chỉ có đến thang năm âm.

* Và chuyện nó có 12 âm như âm nhạc châu Âu là không chính xác?

– Đấy là một sự ngộ nhận. Âm nhạc với thang năm âm, hay thang sáu, bảy âm không phải là riêng nước nào, mà là chung cho cả nhân loại.

Âm nhạc Việt Nam cũng có thang bảy âm. Còn việc chia ra 12 âm bình quân là một sáng tạo lớn của thiên tài J. Bach, từ đó tạo ra nền âm nhạc cổ điển châu Âu, phát triển đến tận bây giờ.

* Xin cảm ơn ông.

Theo Thanh niên và Thể thao văn hóa

 

Nguồn: Nhân dân