fbpx
146 Thành Thái, P.12, Quận 10, TP.HCM

Thị trường rác thải hiện nay có giá trị từ 7.300-9.800 tỉ đồng, tiếp tục thu hút các khoản đầu tư và công nghệ mới.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM, tổng lượng rác đã thu gom vận chuyển năm 2018 là hơn 3 triệu tấn, trung bình mỗi ngày thành phố thải ra hơn 9.200 tấn rác, tăng 4,19% so với năm 2017. Hầu hết rác là chôn lấp nên gây ô nhiễm cho các khu dân cư. Vì thế, thành phố xác định đến năm 2020 sẽ giảm tỉ lệ chôn lấp rác còn 50%, yêu cầu các nhà máy chuyển sang công nghệ đốt rác phát điện. Dự kiến năng lượng thu được giai đoạn 2020-2021 là 98MW, đến năm 2025 là 138MW và đến năm 2030 có thể lên đến 198MW.

“Sau khi đưa 3 nhà máy đốt rác phát điện vào hoạt động, lượng rác thải chôn lấp ở TP.HCM sẽ giảm xuống dưới 50%”, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết.

Tại TP.HCM, hiện tại tổng khối lượng rác thải được xử lý chủ yếu bởi 3 nhà đầu tư là Công ty Xử lý Chất thải Việt Nam (VWS), Công ty Cổ phần Vietstar và Công ty Cổ phần Tâm Sinh Nghĩa. Hiện nay, thành phố kêu gọi đầu tư công nghệ xử lý rác mới đối với 5 bãi chôn lấp ngưng hoạt động gồm Phước Hiệp (huyện Củ Chi) 3 bãi, Gò Cát (quận Bình Tân) và Đông Thạnh (huyện Hóc Môn). Nhà đầu tư được hưởng một số ưu đãi như miễn tiền thuê đất 11 năm hoặc giảm 70% tiền thuê đất phải nộp; mua lượng điện tạo ra; tài trợ lãi vay; miễn thuế nhập khẩu tài sản cố định của dự án; hỗ trợ cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện, nước) đến chân tường rào dự án…

Cùng với tốc độ phát triển đô thị hóa và hiện đại hóa ở Việt Nam, lượng rác thải ngày càng tăng, điều đó thúc đẩy tiềm năng phát triển của thị trường xử lý rác thải. Theo thống kê của Tổng cục Môi trường Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng lượng rác thải hiện nay hơn 20 triệu tấn/năm. Với doanh thu xử lý rác từ các nhà xử lý rác khoảng 360.000-476.000/tấn, thì thị trường rác thải hiện nay có giá trị từ 7.300-9.800 tỉ đồng. Dự báo đến năm 2025, chỉ riêng phân khúc xử lý rác thải sinh hoạt sẽ có giá trị từ 14.000-16.800 tỉ đồng.

Theo lộ trình thay đổi công nghệ, tỉ lệ chất thải rắn (CTR) sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp sẽ giảm từ 73% xuống còn 18% giai đoạn 2016-2025 và phương pháp đốt sẽ thay thế, chiếm từ 9% hiện tại tăng lên đến 70% vào năm 2025. Ước tính phân khúc xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ đốt hiện tại hoặc tiên tiến hơn, giúp giảm thiểu nguy hại đến môi trường, sẽ tiếp cận được thị trường CTR sinh hoạt đầy tiềm năng, với giá trị ước tính năm 2025 là hơn 2.200 tỉ đồng chỉ riêng ở TP.HCM.

Dù có nhiều ưu điểm nhưng phương pháp đốt phát điện vẫn còn nhiều hạn chế về tác động đối với môi trường, đặc biệt là phương pháp đốt phổ biến hiện nay là sử dụng nhiên liệu như xăng dầu và khí gas. Chẳng hạn, nhà máy xử lý rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng đã sử dụng công nghệ đốt rác để phát điện. Năm 2017, nhà máy chính thức đi vào hoạt động. Tuy vậy, đến nay, lượng tro bay đã gần đầy kho chứa, hệ lụy do công nghệ này đang khiến thành phố và nhà máy phải tìm phương án giải quyết.

Ngành xử lý rác thải cũng đang thí điểm phương pháp xử lý rác bằng công nghệ Plasma. Đó là dự án chuyên cung cấp công nghệ xử lý rác thải Plasma có công suất 300 tấn/ngày đã được khởi công xây dựng tại huyện Đông Anh, Hà Nội; hay dự án của Công ty Trisun International Development (Úc), với đại diện tại Việt Nam là Công ty Kiên Giang Composite, giới thiệu dự án nhà máy xử lý rác đốt Plasma với công suất 2.000 tấn/ngày và tổng vốn đầu tư hơn 8.800 tỉ đồng. Công nghệ này ở nhiệt độ rất cao, có khả năng làm sạch khí phát thải tốt hơn, nhưng lại rất hao tốn năng lượng nên giá thành rất cao, ngay cả các nước phương Tây cũng chỉ dùng cho việc xử lý rác thải độc hại. Các nước nghèo thường không có khả năng áp dụng công nghệ này.

(Nguồn Nguyễn Hoàng Nhipcaudautu )