fbpx
146 Thành Thái, P.12, Quận 10, TP.HCM

Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, giai đoạn từ năm 2007-2017, bình quân mỗi ngày thành phố phát sinh 8.700 tấn chất thải rắn sinh hoạt, 1.500 tấn rác thải công nghiệp, 374 tấn rác thải nguy hại… Với mức bình quân mỗi năm rác thải sinh hoạt ở thành phố tăng khoảng 5% và trong giai đoạn 2020-2030 và định hướng đến năm 2035, mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt ở Thành phố được dự báo tăng 2.000-3.000 tấn. Về chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn nguy hại, theo tính toán mỗi năm tăng 6-8%. Như vậy, dự báo từ đây đến năm 2030 mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh tăng 1.000-2.000 tấn rác ở dạng này.

Đồng chí Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các nhà đầu tư trong giờ giải lao.

 

Trước dự báo và yêu cầu xử lý rác ngày càng cao, thành phần và tính chất rác đa dạng, UBND TP Hồ Chí Minh đã đặt ra mục tiêu xử lý rác một cách thông minh nhất, phân loại và bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường. Thành phố sẽ xây dựng nhà máy xử lý hiện đại gắn với mục tiêu đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh giảm tỷ lệ chôn lấp rác còn 50%; đến năm 2025 còn 20%. Hiện nay, 76% lượng chất thải rắn trên được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh; 14,7% compost – tái chế nhựa, 9,3% đốt không phát điện.

Tại hội nghị, thành phố đã công bố các quy hoạch xử lý rác và thông tin liên quan để mời gọi các nhà đầu tư, lắng nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu. Thành phố đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhà đầu tư như: Miễn 11 năm tiền thuê đất hoặc giảm 70% tiền thuê đất phải nộp, hỗ trợ về các thủ tục đầu tư, ưu tiên mua lại nguồn điện tái tạo được sản xuất từ các dự án từ rác, chất thải với mức giá 2.114 đồng/kWh (tương đương 10,05 cents/kWh) đối với dự án đốt chất thải rắn trực tiếp…