fbpx

KHPT) Sau gần 6 năm tập trung nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, vận hành thử nghiệm, đầu năm 2016 vừa qua công ty Cổ phần khoa học công nghệ Petech (Q.10, TP.HCM) đã chính thức đưa vào vận hành Hệ thống xử lý rác bằng công nghệ nhiệt phân plasma, tại nhà máy xử lý rác Thành Quang (huyện Đông Anh, TP. Hà nội). KS Phan Trí Dũng (Chủ tịch HĐQT công ty CP khoa học công nghệ Petech) phấn khởi cho biết, đây là lần đầu tiên Hệ thống xử lý rác bằng công nghệ nhiệt phân plasma được một doanh nghiệp KHCN “made in Việt Nam” thiết kế, chế tạo thành công. Ngoại trừ những linh kiện thiết yếu là phải nhập khẩu của Canada, hầu hết những nội dung còn lại đều do các cán bộ kỹ thuật của công ty Petech chế tạo.

 Hệ thống xử lý rác thải bằng công nghệ plasma này có công suất 300 tấn/ngày. Việc ứng dụng công nghệ plasma có thể nói là một bước đột phá, qua đó thay thế công nghệ đốt cũ để xử lý hiệu quả các loại chất thải như chất thải đô thị dạng rắn; chất thải công nghiệp; chất thải y tế; chất thải phóng xạ liều thấp và trung bình; bùn thải và các chất thải lỏng nguy hại. “Rác thải sinh họat (MSW) tại Việt Nam là 1 loại chất thải rắn “hỗn độn”. Khó có 1 giải pháp đơn thuần nào có thể giải quyết tốt vấn đề MSW của Việt Nam. Công nghệ plasma do Petech thiết kế, chế tạo có thể giải quyết dứt điểm cái mớ “hỗn độn” của MSW Việt Nam với giá cả hợp lý và thân thiện đối với môi trường. Ước tính chi phí vận hành chỉ khoảng 16 USD/1tấn rác thô; diện tích mặt bằng cho hệ thống vận hành cũng thấp (10m2/1 tấn rác thô); đặc biệt là tỷ lệ chất thải cần phải chôn lấp là 0%…”- KS Phan Trí Dũng chia sẻ.

Toàn bộ quy trình hoạt động của hệ thống xử lý rác bằng công nghệ hiện đại này gồm có: hệ thống sơ tuyển rác, ủ rác thu biogas để chạy máy phát điện; hệ thống lò đốt tích hợp plasma thu hồi nhiệt phát điện; dây chuyền thu hồi, tái chế vật liệu (kim loại, thủy tinh, giấy, nhựa…) và sản xuất phân bón compost; dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng (đá trải đường, tấm bê tông đúc sẵn, tấm đê kè…) từ xỉ plasma.

Hệ thống xử lý không có chất thải cần phải chôn lấp sau khi đốt, bởi tro xỉ được hóa lỏng thành thủy tinh vô tính, an toàn với môi trường. Rác thải được khí hóa (gasified) thành khí tổng hợp (syngas), được thu hồi để đốt phát điện và lấy nhiệt sấy khô rác, để tăng nhiệt trị rác thải trước khi đưa vào lò đốt.

Công nghệ plasma là một trong những công nghệ hiện đại hiện nay của thế giới, với ưu điểm là xử lý rác có mức phát thải dioxin thấp hơn lò đốt truyền thống đến 50  lần; lượng phát thải CO2, NOx, SOx và ô nhiễm tro xỉ, tro bay… cũng ở mức rất thấp.

Lò đốt plasma do có phạm vi xử lý rộng, có thể xử lý tất cả các loại: chất thải y tế, chất thải nguy hại, kể cả các loại bệnh phẩm, dầu thải có chứa PCB và chất lỏng nhiễm phóng xạ,… mà không cần phải phân loại từ nguồn. Sau khi xử lý, xỉ  rắn (xỉ thủy tinh vô tính) còn lại cũng không cần xử lý, và có thể dùng để san lấp mặt bằng, sản xuất vật liệu xây dựng (do không phải xử lý tro, nên tiết kiệm được chi phí vận hành đến 25%.). Hệ thống xử lý rác thải bằng công nghệ plasma, có thể nói là giải pháp tối ưu về môi  trường cho các cơ sở (bệnh viện) nằm trong khu dân cư, ở trung tâm đô thị hiện nay.

Được biết, tiếp sau nhà máy xử lý rác Thành Quang hiện nay công ty Petech đang chuẩn bị (phối hợp cùng 1 nhà đầu tư của Nhật) thực hiện thêm 1 nhà máy xử lý chất thải rắn, cũng bằng công nghệ nhiệt phân plasma, tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Nhà máy tại Bình Thuận có công suất 100 tấn/ ngày, sẽ được thiết kế chuyên cho việc xử lý rác thải y tế và rác thải công nghiệp nguy hại.

Dự kiến nhà máy xử lý rác plasma Bình Thuận sẽ khởi công vào tháng 10-2016, và đưa vào vận hành (giai đoạn 1) vào tháng 10-2017.