fbpx

Những viên đá cảnh…

Anh Phan Trí Dũng kể lại: “Bạn tôi, anh Nguyễn Văn Phúng, là người chơi đá cảnh, định làm cho tôi một sân vườn đá cảnh tại khu du lịch Đambri – Lâm Đồng. Và tôi đã phát hiện chuyện kỳ lạ từ một số thanh đá cắm làm hàng rào ở khu du lịch Đambri…”.

Khi phát hiện một số thanh đá khi gõ vào phát ra âm thanh như những nốt nhạc, đồng thời trên thân chúng có những vết ghè đẽo một cách có chủ ý chứ không phải do bào mòn tự nhiên, anh Dũng bèn xẻ đá để xem xét. Nhận thấy vết phong hóa thấm sâu từ một đến vài milimet, anh hoài nghi: Phải chăng mình đang cầm trên tay những thanh đá lưu lạc của một bộ đàn đá cổ?

Vậy là hơn 400 thanh đá mà anh Phúng sưu tầm được – định chuyển lên Đambri làm hàng rào đá cảnh – được anh Dũng gom nhặt lại, sau đó kiểm tra kỹ lưỡng bằng các thiết bị như máy đếm tần số âm thanh, máy phân tích phổ âm thanh, máy đo âm lượng, máy ghi hình dạng sóng âm thanh… Anh Dũng tiến hành đo, phân lập thành 16 nhóm đá theo tần số, mỗi nhóm chọn được khoảng 2-3 thanh đá “chuẩn” có âm vực gần gũi nhất với âm nhạc 12 cung châu Âu.

Với vốn kiến thức về nhạc lý sẵn có, đồng thời sưu tầm tìm hiểu thêm âm nhạc dân gian của người Tây Nguyên, anh Dũng thử sắp xếp, ghép các thanh lại theo cung bậc ngũ âm Tây Nguyên truyền thống. Chính trong quá trình “lên dây” lại cho bộ đàn đá, anh khám phá một điều thú vị: “Ban đầu, tôi sắp xếp các thanh theo âm nhạc ngũ cung của người Tây Nguyên như quan điểm của các nhà chuyên môn nghiên cứu về đàn đá. Nhưng thật kỳ lạ, cách sắp xếp ấy lại… không ra nhạc. Vì vậy tôi đã hiệu chỉnh cao độ của khoảng 4 thanh (trong 24 thanh), 6 nốt giảm còn 12 nốt và thật bất ngờ, chúng lại trùng với âm giai 12 cung của châu Âu hiện nay !”.

Bí ẩn Tây Nguyên

Theo suy đoán của anh Dũng, có thể người Tây Nguyên xưa đã sáng tạo và sử dụng các nhạc cụ có rất nhiều cung bậc chứ không chỉ bị trói buộc trong ngũ cung. Nếu như ở châu Âu đặt tên 12 cung là đô, rê, mi… và các thăng, giáng thì ở Tây Nguyên đặt tên các cung là mế, r’tơm, d’nion, thon, thơ, thi… (mế tương đương với nốt rê và r’tơm tương đương với nốt fa thăng). Nếu đúng như vậy, cần phải xem lại quan điểm cho rằng nhạc cụ Tây Nguyên chỉ là âm nhạc ngũ cung và các nốt còn lại (từ 7 đến 11 nốt) có thể đã thất lạc, cần tìm nhặt, khôi phục lại.

Anh Dũng lý giải: “Dựa trên cơ sở khảo sát các bộ đàn đá đã được phát hiện trước đây và nghiên cứu kỹ bộ đàn đá Đambri, để làm được một bộ đàn đá có âm giai 12 cung (2 bát độ) theo cách thủ công của người Tây Nguyên, cần ít nhất 5 năm.

Việc ra đời các bộ đàn đá có âm giai ngoài ngũ cung chứng tỏ người Tây Nguyên xưa đã có thời gian định cư chứ không hoàn toàn du canh, du cư. Và khi du cư, để mang theo một bộ đàn đá âm giai 12 cung thì cần ít nhất 24 người khỏe mạnh, điều này có thể là khó khăn với các buôn làng vì họ cần mang theo nhiều thứ thiết yếu khác. Vì vậy, có thể các thanh đàn gõ nốt có tác dụng luyến láy đã bị bỏ lại.

Qua nhiều thế hệ, các bộ đàn đá chỉ còn giữ lại các thanh nốt then chốt nhất để có thể tạo ra nhạc. Đó là ngũ cung, có nơi chỉ có ba cung với bộ đàn đá chỉ còn lại ba nốt (thí dụ như bộ đàn đá ở Khánh Sơn, Di Linh, B’Lao)”.

“Có thể việc một người chơi guitar nghiệp dư như tôi công bố công trình nghiên cứu âm giai 12 cung của người Tây Nguyên sẽ không thuyết phục được các nhà chuyên môn. Tuy nhiên, với tư cách là một người làm khoa học, kỹ thuật lâu năm (anh Dũng hiện là Giám đốc Công ty Kỹ thuật điện tử Petech), với rất nhiều kết quả đo lường thu thập được trong suốt hơn 365 ngày “ăn với đá”, “ngủ với đá”, “vui ca cùng đá”, tôi có đủ cơ sở để chứng minh cho những kết luận của mình, đồng thời mong muốn nhận được những ý kiến phản biện, đóng góp.

Từ đó, tôi mong muốn chúng ta cùng làm sáng tỏ một khám phá quan trọng: Âm giai 12 cung không phải là phát minh độc quyền của người châu Âu, và phải chăng chúng ta đã có một nền nghệ thuật từng phát triển rực rỡ tại Tây Nguyên, khởi đầu là những bộ đàn đá có âm giai 12 cung ?” – anh Dũng tâm sự.

TỐ TÂM
Nguồn: Nhân Dân